Nếu bạn nghĩ rằng phải chờ đến mùa xuân, vào những dịp lễ hội đặc biệt của các đồng bào dân tộc ít người mới có thể thưởng thức những điệu nhảy sạp, được đắm mình trong tiếng nhạc dập dìu, ngân vang thì xin mời bạn về trường An Thủy chúng tôi, bất kì ngày nào, vào thời điểm giờ sinh hoạt tập thể, bạn sẽ được chứng kiến một cảnh tượng nhộn nhịp, rộn ràng trong tiếng nhạc điệu nhảy rập ràng, điêu luyện của các em học sinh.

Trải
qua 1 năm học, với sự nỗ lực hăng say tập luyện cho đến bây giờ việc nhảy sạp đối
với các em đã trở thành một kĩ năng, dù là các em học sinh lớp 6 hay các em học
sinh lớp 9, mỗi khi tiếng nhạc vang lên, như một thói quen và phản xạ có điều
kiện các em lại ùa ra sân, chủ động chuẩn bị tất cả các dụng cụ và thực hiện
các công đoạn một cách nhanh nhất để tiến hành cho hoạt động nhảy sạp sân trường.
Có được những thành quả đáng ghi nhận đó, thầy và trò chúng tôi đã cùng nhau nỗ
lực cố gắng để biến một hoạt động từ mới mẻ, lạ lẫm trở nên quen thuộc và dần dần
trở thành một hình thức sinh hoạt tập thể thích thú, hấp dẫn.

Kết
quả tích cực mà hoạt động nhảy sạp mang lại là sự tổng hợp của việc phải trăn
trở, lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng, chuẩn bị dụng cụ, tập luyện cho học sinh và
quan trọng nhất là tạo được sự hứng thú và khơi gợi sự sáng tạo trong các em.
Cho đến bây giờ, chúng tôi có thể tự tin khẳng định rằng, đây là một hoạt động
thực sự ý nghĩa và mang lại nhiều tác dụng trong việc phát triển nhận thức và
kĩ năng cho học sinh. Đó là: giáo dục học sinh về các giá trị văn hóa truyền thống
của dân tộc, từ đó có lòng yêu nước sâu sắc, trân trọng các giá trị văn hóa, biết
giữ gìn và phát huy một cách phù hợp, tích cực. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp
các em rèn luyện thể chất, sức khỏe, mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, phát
triển khả năng cảm thụ âm nhạc, giúp các em phát huy được tính năng động, sáng
tạo, đổi mới.
.
Để có thể chuẩn bị cho các bước nhảy sạp hay nhất đẹp nhất trước tiên cần chuẩn bị
các dụng cụ, đạo cụ cần thiết. Trong đó cần phải chuẩn bị những cây tre to, dài
và thẳng để làm sạp cái và nhiều sạp con có chiều dài từ 3 tới 4 m, kích thước
đường kính từ 3 tới 4 cm. Đặt hai sạp cách nhau với một khoảng cách nhất định,
sau đó gác hai đầu với những cây sạp con đặt song song với nhau cứ như vậy xếp
thành một hàng dài, khoảng cách giữa các cây sạp con khoảng bằng 1 gang tay vừa
đủ chân nhảy được dễ dàng. Đội múa sạp sẽ chia ra
làm 2 tốp: 1 tốp sẽ đảm nhận nhiệm vụ đập sạp và một tốp là nhảy sạp. Với tốp
nhảy sạp đòi hỏi cách nhảy sạp vừa
đúng nhịp điệu tiết tấu vừa phải có những động tác khéo léo của tay chân nếu
không sẽ dẫm lên sạp và làm hỏng cả bài múa. Còn đối với người đập sạp phải đưa
rất đều tay, đúng nhịp với tốc độ vừa phải. Thông thường lúc đầu tốc độ đập sạp
sẽ chậm để người nhảy dễ dàng nhập cuộc hơn nhưng càng về sau sẽ dồn dập nhanh
hơn tăng độ khó từ đó khiến buổi múa sạp trở nên sinh động hấp dẫn hơn. Để có thể thực hiện được hoạt động này, các em cần
phải có khả năng nghe và cảm thụ âm nhạc để có thể gõ sạp một cách đều đặn và
đúng nhạc, cần những cánh tay khỏe khoắn để gõ thật đều, thật vang, cần sự khéo
léo của một đôi chân nhanh nhẹn, dẻo dai và khi đã thuần thục là sự kết hợp với
các động tác tay mềm mại…
Trong
năm học 2018-2019, ngoài việc triển khai trong các buổi hoạt động tập thể,
chúng tôi còn lồng ghép với các hoạt động kỉ niệm những ngày lễ lớn, sinh hoạt
văn hóa văn nghệ như ngày 8.3, ngày hội "Thiếu nhi vui khỏe, tiến bước lên
Đoàn", ngoại khóa kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam…. Các em không những thể
hiện thuần thục các điệu nhảy cơ bản mà còn thỏa sức sáng tạo thêm nhiều điệu
nhảy đẹp, độc đáo, mới lạ, hấp dẫn. Cùng với những trang phục đẹp mắt, nhiều
màu sắc tạo nên một không khí không khác gì một lễ hội mùa xuân. Đến năm học
2019-2020, hoạt động nhảy sạp cũng có mặt trong buổi lễ khai giảng năm học mới.
Đây thực sự là hoạt động mang màu sắc riêng, tạo nên dấu ấn tốt đẹp để rồi khi
nhắc đến trường THCS An Thủy, người ta nhớ đến một hoạt động sinh hoạt tập thể
trải nghiệm, sáng tạo, ý nghĩa. Và khi nhắc đến hoạt động nhảy sạp, người ta lại
nhớ ngay đến trường chúng tôi-một trường tiên phong trong việc vận dụng sáng tạo
hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống vào hoạt động sinh hoạt tập thể.

Trước
đây, cũng như các trường khác, trường THCS An Thủy chúng tôi đã từng có rất nhiều
những hoạt động sinh hoạt tập thể phong phú và đa dạng như tập thể dục giữa giờ,
ca múa hát sân trường, nhảy dân vũ… Những hoạt động đó đều đã tạo được thói
quen, nề nếp và lôi cuốn sự tham gia của các em. Nhưng từ khi triển khai hoạt động nhảy sạp sân
trường, chúng tôi thấy rõ được sự háo hức, thích thú từ phía các em học sinh,
không còn là "phải nhảy" mà bây giờ là "được nhảy". Lúc đầu còn vụng về, lóng ngóng, ngại
ngùng, dần dần, những bước nhảy đã đông hơn, đều hơn và nhịp nhàng, khéo léo
hơn. Nhảy đơn, rồi nhảy theo cặp, nữ với nữ, nam với nam, rồi nam nữ cùng nhảy,
học sinh lớp này có thể sang giao lưu cùng lớp khác… Các thầy cô cũng hòa mình,
nhảy cùng các em, những nụ cười giòn tan, thích thú, xóa dần khoảng cách giữa
thầy cô và học sinh, thân thiện, gần gũi, chan hòa.

Thực tế, hoạt động này không những là hoạt động
sinh hoạt tập thể ở trường, mà tại địa bàn dân cư, mỗi dịp tổ chức văn hóa, văn
nghệ có hình thức nhảy sạp, tất cả học sinh trường chúng tôi đều có thể chủ động
tham gia, thậm chí tập luyện cho các mẹ, các cô, các dì. Nhờ đó, các em luyện
cho mình sự mạnh dạn, tự tin, khả năng điều hành, hướng dẫn và tổ chức hoạt động.
Thiết nghĩ, nhảy sạp không chỉ giúp các em thoải
mái hơn sau những giờ học căng thẳng mà còn góp phần rất lớn trong việc tạo hứng
thú đến trường cho các em, hình thành các kĩ năng sống cần thiết, rèn luyện sự
tự tin, năng động để các em vừa có thể góp nhặt và bồi đắp thêm cho mình những
kiến thức và kĩ năng cần thiết lại vừa có thể rèn luyện về mặt thể chất, để mỗi
ngày đến trường thực sự là một ngày vui.
Ngô Thị Hoa
GV- PBT Chi đoàn trường THCS An Thủy