Mỗi dịp Tết đến xuân về là mỗi lần nét văn hóa truyền thống người Việt được khơi dậy, tôn vinh và lan tỏa tới tất cả mọi thế hệ người dân Việt Nam ta. Có thể nói, đây là dịp tuyệt vời nhất để phong tục Việt được lưu truyền cho tới mai sau.
Có thể nói, một trong
những hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền người Việt là tục tảo
mộ. Khoảng thời gian từ 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo) cho đến
ngày cuối cùng của năm cũ, nhiều gia đình người Việt tập trung đông đủ cùng
nhau đi thăm, quét dọn, sửa sang mồ mả tổ tiên và đem theo hương, hoa quả để
cúng, tỏ lòng hiếu kính mời vong linh tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Tục tảo mộ
cuối năm là một phong tục phổ biến của người dân Việt Nam trong dịp Tết Nguyên
Đán. Nó thể hiện nét đẹp của đạo "hiếu"
trong văn hóa Việt Nam, thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết giữa những người
còn sống với nhau và giữa những người còn sống với những người đã khuất.
Bên cạnh đó, tục gói bánh chưng, bánh tét cũng là một
trong những nét văn hóa - giá trị truyền thống vẫn được lưu giữ qua nhiều thế hệ.
Hay nói cách khác tục gói bánh chưng là nét văn hóa của người Việt ta trong
ngày Tết cổ truyền.
“Thịt mỡ, dưa hành,
câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

(Ảnh: nguồn Internet)
Trong mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu bánh chưng – một món
ăn truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc và mang lại không khí gia đình ấm áp trong
dịp lễ, Tết. Đây cũng là việc giữ gìn và phát
huy trí sáng tạo của cha ông từ ngàn thời xưa, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, khi Hùng Vương thứ
6 quyết định chọn bánh chưng của Lang Liêu làm lễ vật tế tổ tiên.
Cùng với đó, mỗi dịp Tết đến, đối với những gia đình có các
thành viên sinh sống, làm việc và học tập xa nhà đều mong muốn trở về cùng vui
sum họp. Đây là nét văn hóa đặc trưng của người dân Việt Nam thể hiện sự đoàn kết,
yêu thương của những người thân trong một gia đình Lúc này, mọi người cùng nhau quây quần bên mâm
cơm tất niên ấm áp ngày cuối năm. Bữa cơm tất niên thông thường được tổ
chức vào chiều 30 Tết.

(Ảnh: nguồn Internet)
Trong khói hương trầm nghi ngút, các thành viên cùng ngồi ăn
cơm và trò chuyện. Mâm cơm ngày tất niên có đủ các món ăn mang đậm hương vị
ngày Tết như: bánh chưng, giò, dưa hành... Đây cũng là bữa cơm để con cháu thể
hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những người đã khuất trong gia đình.
Và có lẽ thời khắc mọi người mong chờ nhất
chính là thời khắc giao thừa - thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới
trong ngày 30 Tết. Thời
khắc này, nét văn hóa đẹp trong ngày Tết được thể hiện qua hai hoạt động chính là phần lễ giao
thừa và đón giao thừa.
Về phần lễ giao
thừa, người Việt thông thường sẽ chuẩn bị hai mâm cỗ mặn, một mâm cúng gia tiên
tại bàn thờ và một mâm cúng thiên địa ngoài trời trong khuôn viên gia đình
mình. Công việc này sẽ diễn ra đúng thời khắc 0 giờ ngày 1 tháng Giêng âm lịch,
do người lớn tuổi trong gia đình tiến hành. Ý nghĩa của lễ cúng giao thừa là
cầu nguyện cho gia đình một năm mới với nhiều điều may mắn, tốt lành, bình an.
Nó cũng thể hiện truyền thống hiếu kính với các đấng sinh thành, kế thừa và tôn
trọng các yếu tố tâm linh từ ngàn đời xưa (thiên binh, thiên tướng, ông địa).
Hoạt động đón giao thừa diễn ra phổ biến
nhất trên cả nước đó là bắn pháo hoa. Vào thời khắc giao thừa, các địa phương
trên toàn quốc đều tổ chức màn bắn pháo hoa hoành tráng ở nhiều địa điểm. Ý
nghĩa của hoạt động này là kết thúc năm cũ, hi vọng cho một năm mới làm ăn thịnh
vượng, nhiều may mắn, tài lộc và hạnh phúc.

(Ảnh: nguồn Internet)
Ngày
Tết cổ truyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam. Trải qua ngàn đời, Tết Nguyên Đán Việt vẫn giữ được hồn
riêng, vẫn là ngày lễ quan trọng nhất, ấm áp nhất, đủ đầy nhất của cả dân tộc. Nó
thể hiện lòng tự hào và tình yêu quê hương, là dịp để tạo thêm kỷ niệm và kết nối
với gia đình, bạn bè, và cộng đồng. Vì vậy, việc giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết
cổ truyền Việt Nam là rất cần thiết. Mỗi người con đất Việt hãy trân trọng, giữ
gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống mà cha ông ta đã để lại. Gìn giữ và
phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết cổ truyền sẽ tạo nền tảng tinh
thần vững chắc, cổ vũ, động viên mỗi người không ngừng cố gắng vươn lên, cùng
chung sức đồng lòng thực hiện thành công khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn
vinh, hạnh phúc.
Thúy Hồng