Có những con người, khi nhắc đến tên tuổi, cả một dân tộc bỗng lặng đi trong niềm kính yêu vô hạn. Có những cuộc đời, dù đã khép lại, vẫn tỏa rạng như vầng dương bất diệt trong trái tim nhân loại. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, chưa từng có một tên tuổi nào để lại dấu ấn sâu đậm, thiêng liêng và trọn vẹn trong tâm hồn người Việt như Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị Cha già kính yêu của dân tộc, người đã dành trọn cuộc đời mình cho độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già…”
(Tố Hữu)
Tháng Năm về, trong tiếng ve râm ran và
sắc đỏ rực rỡ của hoa phượng, triệu con tim Việt Nam lại thổn thức nhớ về Người
– Người đã ra đi, nhưng dáng hình của Bác vẫn hiện diện trong từng trang sách,
từng ngôi trường, con đường, ô cửa sổ quê hương. Hành trình vĩ đại mà Người đi
qua không chỉ viết nên trang sử vàng chói lọi cho dân tộc, mà còn gieo vào lòng
mỗi thế hệ một ngọn lửa – ngọn lửa của tình yêu nước, của lòng nhân hậu, của ý
chí không bao giờ tắt.
Sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 tại làng
Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An – một vùng quê giàu truyền thống
yêu nước và hiếu học – Hồ Chí Minh (tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung) lớn lên
trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân xâm lược. Ngay từ thuở thiếu thời, Người
đã sớm hình thành trong mình khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc. Năm 1911,
chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng, bắt đầu cuộc hành
trình vĩ đại đi tìm đường cứu nước. Hành trang của Người không phải là vũ khí hay
của cải, mà là ý chí sắt đá, niềm tin mãnh liệt và tình yêu nước sâu sắc. Suốt
hơn ba mươi năm bôn ba qua nhiều châu lục, Người sống giữa nhân dân lao động,
làm nhiều nghề để mưu sinh và học hỏi. Tại Đại hội Tua năm 1920, Người đã đến
với Chủ nghĩa Mác – Lênin, từ đó xác định con đường cách mạng vô sản là con
đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam.
Từ nhận thức ấy, Hồ Chí Minh đã dồn
toàn bộ tâm lực để truyền bá lý tưởng cách mạng vào trong nước, gây dựng tổ
chức cách mạng, kết nối lực lượng yêu nước. Ngày 3 tháng 2 năm 1930, dưới sự
chủ trì của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra một trang mới cho lịch
sử dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam phát triển mạnh
mẽ, từng bước đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Đỉnh cao là thắng lợi của cuộc Tổng
khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đưa dân tộc Việt Nam từ kiếp nô lệ thành người
làm chủ đất nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc
lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu
tiên ở Đông Nam Á. Những lời của Bác khi ấy vang lên như sấm dậy: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền
bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong
những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

(Giây phút
lịch sử – khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa)
Cuộc đời Hồ Chí
Minh là một hành trình dài đầy gian khổ, hy sinh, nhưng sáng ngời lý tưởng cách
mạng và lòng yêu nước, thương dân vô bờ. Người không màng danh lợi, suốt đời
sống thanh bạch, giản dị, hòa mình với nhân dân. Dù ở cương vị nguyên thủ quốc
gia, Bác vẫn ở nhà sàn nhỏ, mặc áo kaki bạc màu, đi dép cao su giản dị. Những
bữa ăn của Bác chỉ có cơm với cá kho, rau luộc. Càng đơn sơ trong đời sống,
Người lại càng vĩ đại trong tư tưởng, đạo đức và tấm lòng nhân ái. Bác từng
nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được
hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai
cũng được học hành”.

(Nếp sống giản dị của một con người vĩ đại)
Không chỉ là một
nhà cách mạng lỗi lạc, Hồ Chí Minh còn là một nhà văn hóa lớn. Với vốn tri thức
sâu rộng và sự hiểu biết nhiều nền văn minh nhân loại, Người đã để lại cho dân
tộc một kho tàng văn hóa phong phú, từ các tác phẩm lý luận đến những bài thơ thấm
đẫm tình đời, tình người. Tập “Nhật ký trong tù” là minh chứng sống động
cho tinh thần lạc quan, nghị lực phi thường và tâm hồn thi sĩ của Người giữa
hoàn cảnh ngục tù khắc nghiệt:
“Thân thể ở
trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần phải càng cao.”

(Thơ
trong ngục – ánh sáng tâm hồn giữa bóng tối gông cùm)
Với những cống
hiến vĩ đại cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và phát triển văn hóa nhân loại,
năm 1987, UNESCO đã ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng
giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Đây không chỉ là
niềm tự hào của dân tộc, mà còn là minh chứng cho tầm vóc quốc tế của Người.
Ngày 2 tháng 9 năm
1969, giữa lúc đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, Bác đã ra đi. Cả
dân tộc nghẹn ngào tiếc thương Người. Thế giới nghiêng mình trước một con người
vĩ đại. Nhưng Bác chưa bao giờ thật sự rời xa. Hình ảnh của Người vẫn sống mãi
trong trái tim hàng triệu người dân đất Việt. Tư tưởng của Người vẫn là kim chỉ
nam trong mọi hành động của Đảng và Nhà nước. Phong cách của Người là tấm gương
mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo. Ngày nay, trong
công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn tiếp
tục soi đường, cổ vũ chúng ta vượt qua thử thách, kiên định với con đường độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

(Bác sẽ
sống mãi trong triệu triệu trái tim con người Việt Nam)
Hồ Chí Minh – tên
Người là cả một niềm yêu thương, là suối nguồn trong mát nâng bước bao thế hệ
Việt Nam đi tới tương lai. Người đã ra đi, nhưng Người chưa bao giờ khuất bóng.
Hình ảnh giản dị, ánh mắt hiền từ và giọng nói ấm áp của Bác vẫn còn đó – trong
trái tim mỗi người con đất Việt, trong lời ru của mẹ, trong tiếng trống trường
vang vọng ngày khai giảng, trong khát vọng hòa bình, độc lập, ấm no của dân
tộc.
Tư tưởng, đạo đức
và phong cách Hồ Chí Minh vẫn sẽ còn mãi là ngọn đuốc soi đường, là điểm tựa
vững chắc cho chúng ta vượt qua bao thử thách, vững vàng trên hành trình xây
dựng một nước Việt Nam hùng cường. Và khi nhắc đến hai tiếng “Bác Hồ”, chúng ta
không chỉ gọi tên một con người vĩ đại, mà còn gọi tên tình thương, lòng nhân
ái và ánh sáng bất diệt của cả một thời đại. Người vẫn sống đó – trong từng
nhịp tim của dân tộc, trong quá khứ, hiện tại và mai sau.
Ngô Thị Hoa