Mỗi lần đi qua nơi này, tôi không thể nào không dành một khoảng thời gian dừng chân ngắm nhìn cây phượng ngày nào. Cây phượng sân trường, nơi in dấu bao nhiêu kỷ niệm tuổi học trò thời niên thiếu của tôi. THCS An Thủy - ngôi trường mà tôi đã gắn bó trong suốt 4 năm tuổi thơ đầy mơ ước. Vào cái tuổi ấy, vào thời gian ấy, tôi cũng đã có nhiều nhận thức mới mẽ hơn khi vừa bước vào một cấp học mới, hơn thế ở đây đã ươm mầm trong tôi những tình cảm mới - tình cảm của một cô bé mới lớn, tình thầy, tình bạn...
Nhớ lắm lúc mới vào trường, bỡ ngỡ, rụt rè ...chỉ việc thay đổi cây
bút mực bằng ngòi bút bi thôi nhưng sao thấy lạ lắm. Lạ hơn, khác hơn, tôi có
những người bạn mới, thầy cô mới rồi hình thức học tập cũng không giống thời
tiểu học. Ấn tượng nhất là buổi gặp mặt đầu tiên với cô giáo Phan Thị Hoài Thu
- giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi lúc đó, với giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp cũng
như những lời căn dặn tỉ mĩ của cô làm chúng tôi vơi đi sự xa lạ, bỡ ngỡ. Tôi
cũng nhớ như in tiết học đầu tiên với môn lịch sử của cô Trần với giọng nói to
và truyền cảm “lịch…sử…là gì”. Cho đến giờ, khi chúng tôi khi nhắc đến cô thì
không ai không nhắc lại câu hỏi đó với nhiều kỉ niệm đẹp ùa về. Những ngày bỡ
ngỡ là thế, nhưng thời gian cũng làm cho
con người ta lớn dần, tôi quen và thân với “nó” lúc nào không hay, từ cái bàn,
cái ghế gỗ, đến tiếng nói vọng từ bục giảng, những tiếng cười nói của bạn bè,
rồi đến những buổi chào cờ vui nhộn, hay những buổi sinh hoạt tập thể đầy sôi
nổi và năng động cuả các cô cậu học sinh... những điều đó dần trở nên quen
thuộc và in dấu trong mỗi chúng tôi.
Những điều mới cứ đến và cứ đến, nhưng thoáng cái khoảnh khắc chia tay
xa trường, xa bạn cũng chờ bên cửa. Giờ phút chia tay sao lại nhanh đến thế,
trong lòng mỗi con người đều nặng trĩu những bước đi. Tôi nghĩ, chắc khó có thể
quay trở lại những khoảng thời gian gắn bó ở đây- chính nơi mà tôi đã từng xem
trường, lớp là gia đình thứ hai, cô thầy là những người cha người mẹ dẫn dắt
chúng tôi nên người. Giờ đây còn đâu nữa, tôi tự an ủi mình phải tiếp tục học
tập trong những năm tới ở một ngôi trường mới mà thôi, tôi chưa một lần nào
nghĩ rằng mình sẽ có cơ hội trở lại trường và đứng trên bục giảng, tiếp nối con
đường mà ngày xưa những người thầy người cô của tôi đã đi qua.
Kí ức chợt ùa về, và hiện thực tôi đã trở về làm cô giáo trẻ, trở
thành một thành viên của HĐSP nhà trường. Những kỷ niệm của tuổi học trò cứ
hiện lên trong tôi, nhớ nhất là cây phượng già được chúng tôi gọi là
"ông". Cái tên “ông phượng” là do lớp tôi đặt ngày ấy vì trên thân
cây phượng già chúng tôi tưởng tưởng như có một khuôn mặt già cổi, lúc nào cứ
nhăn nhó như muốn rên lên vì đau. Vẫn còn nhớ y nguyên, tôi cùng mấy đứa bạn
thường nhặt hoa phượng xếp thành những con bướm thất xinh xắn, hay những đứa
con trai lấy hoa phượng xâu thành dãi hoa, đội trên đầu đóng giả con gái. Có
thể nói “ông” là người bạn gắn bó với tuổi học trò, những kỹ niệm với “ông”
không thể nào kể hết. Còn đây, sân trường ngày nào chúng tôi thường vui đùa,
chạy đuổi bắt nhau, và kia, vẫn cái ghế đá ấy- cái ghế đá chúng tôi thường hay
ngồi nói chuyện, nhiều…nhiều lằm… những ký ức xưa cứ hiện về.
Giờ đây, trước mắt tôi, ngôi trường ngày xưa có vẻ mới hơn, khang
trang hơn, thoáng mát hơn và hiện đại hơn rất nhiều. Sân trường ngày nào giờ đã
lướt đá với những bồn hoa trông thật đẹp. Lớp học đầy đủ tiện nghi hơn, từ bàn
ghế đến bảng đen đến các phòng chức năng thí nghiệm, tin học, ngoại ngữ...đều được
trang bị bằng những tiện nghi thật hiện đại. Tất cả những gì tôi nhận ra lúc
bấy giờ quả thật khiến cho tôi ngỡ ngàng bởi dường như trước đây chúng tôi chưa
có dịp được tiếp cận đến. Nhìn những hàng ghế đá, tôi nhớ lại trước đây chúng
tôi thường tranh nhau ngồi vào giờ ra chơi vì thiếu chổ thì giờ đây có rất
nhiều ghế đá của những cựu học sinh gửi tặng nên không thấy cảnh tranh dành chổ
ngồi của nhau như chúng tôi trước đây một thời. Khung cảnh xung quanh đã thay
đổi nhiều. Có cái gì quen thân nhưng cũng có cái gì đó thật mới lạ làm sao.
Ngày
đầu đến trường, lòng tôi lại bồi hồi tìm gặp lại những thầy cô giáo cũ đã từng
ân cần dạy dỗ chúng tôi. Tôi cứ tìm mãi, tìm mãi bóng dáng của cô giáo chủ
nhiệm, cô Trần, cô Mị, cô Liên…nhưng không thấy nữa. Đâu đây những lời nói,
những lời căn dặn của thầy cô giáo trước đây như văng vẵng bên tai “ học chữ và
học làm người”. Các cô nay đã nghỉ dưỡng tuổi già sau mấy chục năm đứng ở bục
giảng, giờ đã rời xa bảng đen phấn trắng để về với cuộc sống thường ngày, thay
vào đó là những cô thầy mới trẻ trung đầy năng động. Dẫu biết rằng còn thiếu
một điều gì đó khi tìm lại trong kí ức nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp và
không hề xa lạ vì tất cả thầy cô và các em học sinh nơi đây đều là thành viên
của mái Trường THCS An Thủy đầy thân thương
Bất chợt nhận ra tôi không còn là cô bé học sinh xưa kia nữa, tôi đã
lớn đã đủ trưởng thành để tiếp tục con đường mà tôi đã chọn- nghề nhà giáo. Đấy ! Lúc xưa tôi vẫn cặm cụi ngồi viết, vẫn
nghe cô giáo đứng giảng bài, mà giờ đây tôi đã được học sinh gọi là “ cô giáo”.
Tôi yêu cái nghề này hơn - cái nghề mà người ta gọi là "gõ đầu trẻ"-
nghề chèo lái con thuyền trí thức đến với các em học sinh. Tôi thích được gọi
là cô giáo, tôi thích đứng trên bục giảng và hơn thế nữa tôi thích được gắn bó
với ngôi trường này.
Ngày ấy và bây giờ, nếu được dùng phép so sánh thì chẳng thể nào làm
được, nơi ấy được gọi là trường cũ nhưng giờ đây mới, mới trong cảm xúc của
người học trò ngày xưa từng cắp sách đến trường, rồi cũng học từng câu văn,
từng phép toán...Dù ngôi trường có thân đến mấy cũng không thể tránh khỏi những
cảm xúc đầu tiên đến trường với tư cách là một cô giáo trẻ, mới ra trường đầy
bỡ ngỡ và lo sợ, nhưng tôi tin rằng ngôi trường thân yêu này, với những đồng
nghiệp thân thiện, vui tính, đầy năng động sẽ giúp tôi vượt qua những khó khăn
ban đầu.
Mùa thu đến, ngày tựu trường cũng đã đến gần lắm rồi. Lạ thay, cái cảm
giác miên man ngỡ ngàng, hồi hộp lại cứ ùa về. Tôi giờ đây đã có nhiều nhiệm vụ
trọng trách mới cần làm như những thầy cô giáo tôi ngày xưa đã từng làm. Từ bây
giờ, với tôi, trường THCS An Thuỷ sẽ là một điểm dừng chân mới để tôi thực hiện
trọng trách "trồng người" bằng chính niềm vinh dự tự hào của mình..
Nếu ai đó hãy thử là tôi - một học sinh xa trường nay quay trở lại nơi yêu dấu
này thì hẵn lòng sẽ đầy thổn thức xen lẫn niềm khao khát yêu thương.
Hãy cho tôi thêm yêu nơi này, một chút, một chút thôi!.
Phan Thị
Huệ - Cựu học sinh- GV trẻ của trường

