Tháng 11, thời khắc giao mùa đã được điểm bởi những cơn gió, cái se lạnh đã làm tôi nhớ về những kỉ niệm cùng bạn bè, thầy cô, những năm tháng hồn nhiên nô đùa dưới mái trường thân thương. Tháng 11, tháng mà cả một năm học chỉ có một ngày nhắc những người học trò nhớ về những lời căn dặn, cái vỗ vai hay cả những lời răn đe nghiêm khắc.
Tháng 11, cũng chính là tháng mà những người
học sinh luôn muốn làm cái gì đó để tri ân công ơn các thầy cô giáo. Con người, chắc hẳn
ai cũng từng một lần được cắp sách đến trường, ai cũng có một người thầy, người
cô kính mến của lòng mình để thương, để nhớ về, ngày 20/11 là cơ hội để mọi
người bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc đền thầy cô.

Hình ảnh Tập thể
HĐSP trường THCS An Thủy năm học 2021 – 2022
Thời gian vô tình trôi
nhanh như ngọn gió mùa đi cùng theo năm tháng. Mới ngày nào đó tiếng
trống khai trường vừa mới vang lên trong nắng thu vàng rực rỡ báo hiệu một năm
học mới lại về, thế mà hôm nay cái sôi động của mùa thu cách mạng, thu của tựu
trường đã qua đi. Những cơn mưa rả rích mang theo cái se lạnh đầu đông báo hiệu
tháng 11 đã đến và tinh thần rạo rực về ngày nhà giáo Việt Nam đã dấy lên trong
tâm thức mọi người. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam tự hào đã
sáng tạo và xây đắp nên một nền văn hóa đặc sắc mà một trong những nét tiêu biểu
ấy là truyền thống tôn sư trọng đạo. Việc hiếu học và kính trọng người thầy
luôn là đạo lý cơ bản của người Việt Nam.
Sinh ra trong cuộc đời, không ai có biết được
tương lai của đời mình nhưng mỗi chúng ta nhận thức được rằng: tri thức chính
là hạt giống mà thầy cô ươm mầm trong tim mỗi học trò. Cây có đơm hoa kết quả,
quả có chín ngọt lành hay không chính là sự vun đắp của chúng con dưới sự chỉ dạy
của thầy cô.
Hôm nay, để tri ân những công
lao to lớn ấy, được sự chỉ đạo của Chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường toàn thể
cán bộ giáo viên và học sinh đều hưởng ứng lập nhiều thành tích đón mừng ngày
hội lớn Kỉ niệm 39 năm (20/11/1982-20/11/2021) ngày
nhà giáo Việt Nam. Phát động đợt cao điểm
phong trào thi đua trong toàn ngành với nội dung trọng tâm “Đổi mới, sáng tạo
trong quản lý, giảng dạy và học tập” và triển khai thực hiện chủ đề năm học
“Trách nhiệm, kỉ cương, linh hoạt, sáng tạo”, phong trào “Xây dựng trường học hạnh
phúc”, “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng
đại dịch COVID-19”; tích cực vận động triển khai, hưởng ứng và lan tỏa chương
trình “Sóng và máy tính cho em”, “Máy tính cho em”.

Hình ảnh một số nữ công trường THCS An Thủy
Từ công tác vệ sinh phong quang trường lớp được
phát huy, đến phong trào thi đua học tập và tu dưỡng đạo đức của học sinh cũng
được dấy lên thật mạnh mẽ. Những giờ lên lớp thật hấp dẫn lí thú bởi tinh
thần thi đua gặt hái nhiều điểm tốt, giờ học tốt trong các lớp học. Mỗi đội
viên thi đua ghi được những bông hoa điểm mười kính dâng lên thầy
cô - người đã dày công vun đắp kiến thức và bồi dưỡng tâm hồn cho các em nhân
dịp này. Đặc biệt năm học 2021 - 2022 Liên đội trường THCS
An Thủy đã tổ chức hội thi “Em làm báo thiệp” chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
20 tháng 11. Mỗi tấm thiệp của của các em được thiết kế xinh xắn, đáng yêu, tỉ
mẩn, đạt chất lượng cao đồng thời cũng chất chứa lòng biết ơn, sự kính trọng
thầy cô giáo của tất cả các em học sinh ở các lớp.

Hình ảnh: Chia tay cô Tố Nga, cô Phới đến công tác đơn vị mới
Thế là ngày hội cũng đã đến,
đúng 14h ngày 19 tháng 11 buổi lễ tọa đàm được diễn ra trong không khí thật
trang trọng, vui tươi, phấn khởi. Cô hiệu trưởng Hồ Thị Minh Ngọc gửi lời chúc
mừng và đặt niềm tin và hy vọng vào đội ngũ cán bộ giáo viên trường ta nay mai
sẽ gặt hái được nhiều thành tích tốt đẹp hơn nữa trong công tác dạy học. Tiếp
đến là lời tâm tình của cô giáo Nguyễn Thị Tố Nga, một giáo viên kì cựu luôn
được thế hệ học trò An Thủy và những giáo viên trẻ như chúng tôi kính nể, yêu
thương. Ngoài ra tập thể hội đồng sư phạm nhà trường xin gửi lời chúc đến cô
giáo Bùi Thị Phới khi chuyển đến đơn vị mới sẽ thuận lợi và gặt hái được nhiều
kết quả xuất sắc trong công tác dạy học. Đồng thời, năm học 2021 – 2022 trường
THCS An Thủy cũng chào đón thêm thành viên mới, cô giáo Nguyễn Thị Phương một
giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết với nghề gõ đầu trẻ.
Để tri ân ngày lễ lớn của nghề
giáo, lãnh đạo xã, Hội khuyến học cũng đến những lời chúc và những bó hoa tươi
thắm đến nhà trường. Thay mặt trường THCS An Thủy, đồng chí Nguyễn Minh thanh
xin ghi nhận những lời chúc tốt đẹp của UBND xã An Thủy và Ban đại diện cha mẹ
học sinh.

Hình ảnh: Món quà ý nghĩa từ
Qũy Khuyến học xã An Thủy
Một mùa Hiến chương
thật đặc biệt khi cả nước phải gồng mình chiến đấu với nạn dịch Covid 19, trường
học trở thành chiến trường chống dịch. Thầy cô vẫn tiếp tục chèo lái những chuyến
đò thầm lặng, các em học sinh dần dần thích ứng hơn với thực tại cuộc sống để
lĩnh hội tri thức, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Cố thủ tướng Phạm Văn
Đồng đã từng nói “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, quả
thật không sai chút nào. Nghề giáo “cao quý” theo một cách riêng của nó:
“Có một
nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Lại nở cho đời muôn vạn hoa thơm...”
Dân tộc
Việt Nam ta vốn có truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” bởi người thầy đã
góp phần hun đúc nên tâm hồn Việt Nam qua các thời kì, là cầu nối
giữa quá khứ với hiện đại và tương lai dân tộc.
Bằng chiến
thắng Bạch Đằng năm 938, dân tộc ta đã chấm dứt thời kì ngàn năm bắc thuộc, mở
ra kỉ nguyên mới - kỉ nguyên độc lập thống nhất non sông. Các vương triều
Đại Việt đã chú trọng vào giáo dục để dạy cho dân lòng trung quân, ái quốc;
Hình ảnh vương phi Ỷ Lan dạy dân trồng dâu nuôi tằm xe tơ dệt lụa để phục vụ cuộc
sống, rồi hình ảnh thầy đồ Chu Văn An – một nhà giáo tiêu biểu mẫu mực nhất của
giáo dục nho học. Vẫn như còn hiện hữu đâu đây hình ảnh ông đang dâng sớ chém bảy
tên nịnh thần để chấn hưng nước nhà. Rồi trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - một thầy
giáo, một nhà chiêm tinh đã để lại cho hậu thế bao câu sấm còn mãi rền vang… Bước
sang thế kỉ XX, đất nước bị chìm đắm trong nô lệ. Dân ta phải chịu ảnh hưởng của hai
nền giáo dục đó là nền giáo dục Pháp thuộc và nền giáo dục nho học. Trong tối
tăm sâu thẳm của chế độ thực dân nửa phòng kiến đã xuất hiện một thầy giáo, một
vĩ nhân của dân tộc - thầy giáo Nguyễn Tất Thành.
Có thành quả giáo dục
như ngày hôm nay, đội ngũ nhà giáo đã đổ bao tâm huyết vào nghề. Cuộc sống tuy
có đỡ vất vả hơn trước vì đồng lương đã được cải thiện song vẫn còn nhiều khó
khăn thiếu thốn. Không so đo tính toán với cuộc sống đời thường, họ ngày đêm
nhẫn nại chăm chỉ chở con đò tri thức đến với các em học sinh. Sau mỗi chuyến
đò là cả một chặng đường gian khổ, họ vẫn vững vàng tay lái để đi tiếp những
cuộc hành trình khác. Chúng ta đang sống trong những tháng ngày tươi đẹp. Đất
nước bước vào kỉ nguyên của những mùa xuân vĩnh hằng. Hơn lúc nào hết chúng ta
hãy đừng bao giờ quên những bước thăng trầm của giáo dục nước nhà. Chúng ta cần
kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo để đào tạo ra những
con người mới có đủ đức đủ tài xây dựng đất nước.
Tháng 11, tháng của những cơn gió rét đầu đông xuất
hiện trong những buổi sớm mai đầy sương mù giăng tỏa. Tháng của những ký ức,
hoài niệm còn lưu giữ cứ ùa về... Xin cảm ơn nghề giáo đã cho chúng tôi một cảm
giác ấm áp, tràn ngập tình yêu thương! Trong ánh nắng vàng của mùa đông, chúng
ta đang hòa cùng niềm vui chào tháng 11 yêu thương đong đầy kỷ niệm. Trong niềm
vui của ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, xin gửi đến các thầy cô giáo lời chào hạnh
phúc. Chúc các thầy, các cô một ngày Nhà giáo Việt Nam đầy ý nghĩa, luôn vững tay chèo chở con
thuyền tri thức cập bến vinh quang.
Dư âm ngày 20-11 mãi còn khắc
đậm trong mỗi trái tim giáo viên, học sinh trường THCS An Thủy. Những cung bậc
cảm xúc về buổi tọa đàm không nén nỗi tình cảm sâu thẳm của lòng người, thay
mặt cho tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên xin bày tỏ tấm lòng thành kính đến
lãnh đạo địa phương, và các bậc phụ huynh, chúc cho tập thể HĐSP nhà trường sẽ
gặt hái được nhiều thành quả rực rỡ hơn nữa…
Người viết
Trương
Thị Hưng (Tổ CM3)