Trong những ngày Tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật Bác kính yêu với tấm lòng trân trọng, biết ơn và thành kính. Đã 50 năm Bác đi xa nhưng sự nghiệp, tư tưởng và tấm gương đạo đức vĩ đại, sáng ngời của Người vẫn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc
Ngày 19 tháng 5 năm nay tròn 129
năm(19/5/1890 - 19/5/2019) từ làng Hoàng Trù Kim Liên chàng trai Nguyễn Tất
Thành- Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và cũng là sự báo
hiệu cho toàn dân tộc ta một con người vĩ đại vị cứu tinh dân tộc đã về đây. Từ
một làng quê hẻo lánh bên dòng sông Lam trên đất Nam Đàn một người mẹ nhân từ
như bao người mẹ Việt Nam nhưng đã sinh cho đất nước một người con có nghị lực
phi thường đã cùng với Đảng vĩ đại và nhân dân anh hùng làm thay đổi tiến trình
lịch sử mở ra kỉ nguyên mới độc lập tự do ấm no hạnh phúc cho tất thảy mọi
người dân đất Việt. Càng thương càng nhớ Bác đi xa lại càng như thấy Người vẫn
đứng giữa cháu con bắt nhịp kết đoàn chia bánh kẹo gửi hoa tươi cho người có
công với nước cho bộ đội công nhân và cả những cụ già em thơ nơi làng quê xa
vắng. Nếu như năm 1911, dân tộc Việt Nam có Anh Ba- người phụ bếp trên tàu, năm
1920 có Nguyễn ái Quốc- người Cộng sản, thì từ ngày 2-9-1945 nhân dân Việt Nam
có Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa- và
ngày nay, một cách chung nhất, kính yêu nhất, chúng ta có Bác Hồ của Tổ quốc
Việt Nam.
Sinh
thời cứ đến dịp ngày sinh của Bác, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ
quan là không nên tổ chức mừng ngày sinh hay chúc thọ linh đình vì Người sợ tốn
thời giờ, tiền bạc của nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của nhân
dân còn nghèo khó, gian khổ…Hàng năm cứ vào ngày 19 tháng 5, Bác thường viết
thư, gửi điện cảm ơn đồng bào, đồng chí, các cơ quan đoàn thể trong nước và bầu
bạn quốc tế đã dành cho Người những tình cảm thân thiết đối với ngày sinh của
mình.
Có
những lần, do không muốn tổ chức lễ mừng sinh nhật của mình, trước ngày
19/5/1949, Người đã làm bài thơ “Không
đề” trả lời một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật Bác:
“Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
Chờ cho kháng chiến thành công đã,
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.
Mỗi mỗi dòng thơ của Bác tuy nói về
ngày sinh của mình nhưng lại là tình cảm, trách nhiệm của Bác đối với non sông
đất nước và đồng bào, là nguyên tắc sống: “Trung với Đảng, hiếu với dân” và là
sự dẫn đường, chỉ lối của Bác đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc
ở từng thời điểm lịch sử của cách mạng.
Trước ngày 19 tháng 5 năm 1951, trong một cuộc họp cán bộ các cơ
quan Trung ương ở Tuyên Quang, để cảm ơn và đáp lại những lời chúc thọ của mọi
người, Bác Hồ đã làm bài thơ mà cho đến nay rất nhiều người trong chúng ta đều
thuộc và coi đó như là tấm gương sáng để noi theo:
“Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên.
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên”.
Trước ngày 19 tháng 5 năm 1953, Bác Hồ làm một bài thơ chữ
Hán (Sáu mươi ba tuổi) với niềm lạc quan, yêu đời, phong thái ung dung, tự tại.
Bài thơ được dịch là:
“Chưa năm mươi tuổi đã kêu già
Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai.
Sống quen thanh đạm nhẹ người,
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”.
Dịp sinh nhật lần thứ 74, tháng 5 năm 1965, Bác lại làm thơ
thể hiện mong ước, đau đáu chờ đợi một ngày Bắc - Nam xum họp một nhà:
“Bảy mươi tư tuổi vẫn chưa già
Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta.
Bao giờ Nam - Bắc một nhà,
Dân giàu, nước mạnh thì ta vui lòng”.
Vào ngày 19 tháng 5 năm 1965, Bác Hồ thăm Trung Quốc, tới
quê hương của Khổng Tử, thăm khu di tích Khổng phủ, Khổng miếu, Khổng lâm, trên
đường về Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, Người đã làm bài thơ chư Hán phỏng
Khúc Phụ:
“Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa.
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà”.
Vào dịp sinh nhật lần thứ 77 của mình, tháng 5 năm 1967, Bác Hồ
sang Trung Quốc. Từ Quảng Châu, Người đã viết bài thơ gửi Bộ Chính trị:
“Thời gian đã chóng tựa con thoi,
Thấm thoắt xa nhà một tháng rồi.
Nghìn dặm vui nghe tin thắng trận,
Một mình nằm tính việc xa xôi”.
Vào ngày 20 tháng 5 năm 1968, tại Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 4,
Quốc hội khóa III, sau khi nghe Báo cáo và lời chúc thọ của các đại biểu dự
họp, Bác Hồ có nói: “... lần trước tôi có nói là những thắng lợi của chiến sĩ
và đồng bào hai miền làm tôi thấy mình như trẻ lại 20 tuổi. Nhưng nay nghe nói
78 tuổi, thì tôi thấy già đi. Vì vậy, tôi có bài thơ thế này:
Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn,
Tiến bước, ta cùng con em ta”.
Đồng
thời với việc đi cơ sở, gặp gỡ đồng chí, đồng bào, bắt đầu từ năm 1965, vào dịp
sinh nhật của mình, Bác Hồ bắt đầu viết “mấy lời” để lại cho mai sau. Bản
Di chúc đầu tiên Bác đề “Nhân dịp mừng 75 tuổi”. Cuối bản Di chúc, Bác ghi: “Hà
Nội, ngày 15 tháng 5 năm 1965”. Cùng với chữ ký của Người là chữ ký “chứng
kiến” của Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Lê Duẩn. Từ đó, mỗi dịp
sinh nhật, Bác đem ra xem lại và bổ sung, chỉnh sửa.
Ngày 19 tháng 5 năm 1969, sinh nhật cuối cùng
của Người, sau khi tiếp các cháu là con của các đồng chí phục vụ đến chức thọ,
Bác xem kỹ lại toàn bộ bản Di chúc mà mình đã viết, bổ sung vào các năm
trước. Sau đó, Bác tiếp chị Phạm Thị Quyên (vợ của Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn
Văn Trỗi) và chị Nguyễn Thị Châu, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Thanh
niên - Sinh viên giải phóng khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đến chúc thọ. Tiếp
đó, Bác viết thư khen các cháu thiếu niên hợp tác xã Măng Non thôn Phú Mẫn, xã
Hàm Sơn, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Ninh) vì đã có nhiều thành
tích trong việc chăm sóc tốt trâu, bò. Đây cũng là bức thư cuối cùng Bác viết
gửi cho các cháu thiếu nhi. Cùng ngày, Bác còn tặng ảnh chân dung của mình cho
cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, Đảng bộ tỉnh Nghệ An, cán bộ, công nhân Nhà
máy xi măng Hải Phòng.
Bác
là tổng hợp tinh hoa văn hóa nhân loại, kế thừa tư tưởng đạo đức phương Đông và
tinh túy văn hóa phương Tây, đặc biệt là tư tưởng, đạo đức cũng như những tấm
gương trong sáng của Mác, Ăng- ghen, Lê nin. Năm 21
tuổi, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Qua gần
40 nước khắp năm châu bốn biển, Bác đã làm đủ mọi nghề để sống và tìm đường cứu
nước. Chỉ bằng con đường tự học, Bác đã làm cho cả thế giới kinh ngạc về trí
tuệ, sự uyên bác thông thái của Người trên mọi phương diện. Bác có thể nói được
29 ngôn ngữ, chưa kể tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Với sự nghiệp báo
chí, Bác đã viết hàng nghìn bài cho báo chí trong nước và quốc tế. Là một nhà
thơ, với trái tim nhân hậu, đa cảm, Bác đã để lại cho đời nhiều tác phẩm văn,
thơ bất hủ …Bác còn là biểu trưng sinh động cho phong cách sống của một con
người vĩ đại: Thanh tao, khiêm tốn, cần, kiệm, liêm, chính, không ham danh lợi
đạt đến độ mẫu mực, cảm hoá được tình cảm của con người. Trong hành trình tìm đường
cứu nước, dù ở đâu, làm gì, Bác cũng đặt lợi ích của tổ chức, của cách mạng
trên hết.
Mặc
dù Bác đã đi xa nhưng mỗi người dân Việt Nam, bạn bè của nhân dân Việt Nam đều
cùng chung một cảm nhận: “Bác không bao giờ mất”. Bác vẫn đời đời
sống mãi cùng non sông, đất nước và bạn bè khắp nơi. Vì vậy, vẫn như có Bác ở
đây, hàng năm tới dịp tháng 5 là toàn thể nhân dân ở khắp các miền quê Việt Nam
và cả bạn bè năm châu vẫn nô nức tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Bác. Bác đã đi xa, song những lời căn dặn, chỉ dẫn
thiêng liêng và tình cảm thiết tha của Người đã trở thành mệnh lệnh trái tim
đối với mỗi người dân Việt Nam không chỉ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước mà còn là cương lĩnh hành động của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc hiện nay.
Bác Hồ - Người là
tình yêu bao la trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác
chăm lo cho hạnh phúc nhân dân, cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam...
Cuộc đời 79 mùa xuân tươi sáng, Bác đã cống hiến trọn vẹn cho dân, cho nước.
Bác vui với niềm vui chung của dân tộc. Bác đau khi nhìn thấy nhân dân lầm
than, nước mất, nhà tan… Điều đó đã lý giải vì sao Bác luôn có ý định từ chối
việc tổ chức mừng kỷ niệm ngày sinh hay chúc thọ cho mình. Nhà thơ Tố Hữu trong
bài “Theo chân Bác” đã viết: “Như đỉnh non cao tự giấu hình/ Trong rừng xanh
lá, ghét hư vinh”. Sự từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, lãnh
tụ tối cao của Ðảng trong những dịp kỷ niệm ngày sinh của mình thể hiện sự
khiêm tốn, giản dị mà cao thượng biết bao! Đó là bản chất của người cách mạng
chân chính - người ‘‘đầy tớ” thật trung thành của nhân dân. Nhân cách ấy, sự
cao thượng ấy càng làm cho hình ảnh Người trở nên cao đẹp, vĩ đại. Tấm lòng và
đạo đức cách mạng sáng ngời của Người mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ
đặt biệt là thế hệ trẻ chúng ta học tập và noi theo.
Tháng Năm, 2019
Hạc Hải (GT)