Nếu bạn có dịp về An Thủy, ngang qua mái trường thân yêu của chúng tôi trong những ngày này, bạn có thể tận mắt chứng kiến và cảm nhận được không khí rộn ràng, náo nhiệt của sân trường vào mỗi giờ ra chơi.
Một không khí
mà bất cứ ai cũng có thể sẽ nhầm tưởng đó là một “lễ hội mùa xuân” chứ không phải
đơn thuần chỉ là hoạt động tập thể giữa giờ học. Tiếng nhạc dập dìu, tiếng gõ sạp
vang lên đều đặn, nhịp nhàng, tiếng cười nói râm ran,…hơn tất cả, là sự hào hứng,
tươi vui ánh lên trên gương mặt, nụ cười của thầy và trò nơi đây. Chúng tôi
đang muốn giới thiệu đến các bạn hoạt động “Nhảy sạp”-một hình thức sinh hoạt tập
thể mới của trường THCS An Thủy để góp phần làm nên những giờ ra chơi trải nghiệm,
sáng tạo.
Khi mà việc học
tập ngày càng trở nên căng thẳng, khi mà vấn đề ngành giáo dục đặt ra là phải tạo
hứng thú học tập cho học sinh, tạo một môi trường vui chơi để học sinh phát triển
một cách toàn diện, hình thành được những kĩ năng sống cần thiết, thì làm thế
nào để có một hình thức hoạt động giữa giờ, hoạt động tập thể mới lạ, độc đáo,
lôi cuốn các em tham gia đó không phải là điều đơn giản. Trước đây, trường THCS
An Thủy chúng tôi đã từng có rất nhiều những hoạt động sinh hoạt tập thể phong
phú và đa dạng như tập thể dục giữa giờ, ca múa hát sân trường, nhảy dân vũ… Những
hoạt động đó đều đã tạo được thói quen, nề nếp và lôi cuốn sự tham gia của các
em. Thế nhưng, xuất phát từ mong muốn làm thế nào để đổi mới sân chơi, đổi mới
hình thức sinh hoạt tập thể cho các em, sau bao ngày trăn trở, ấp ủ dự định,
lên kế hoạch rõ ràng,cụ thể, chi tiết thì hôm nay, hoạt động nhảy sạp đã chính
thức được đưa vào thực hiện và mang lại thành công ngoài mong đợi. Có được điều
này, phải kể đến công lao của thầy Hiệu trưởng đáng kính-thầy giáo Trần Văn Nầy.
Đó là cả một tâm huyết, một tầm nhìn và một tấm lòng tất cả vì học sinh thân
yêu.
Nhảy sạp không
phải là hoạt động xa lạ đối với các em. Để có thể thực hiện được, chúng ta cần phải
có khả năng nghe và cảm thụ âm nhạc để có thể gõ sạp một cách đều đặn và đúng
nhạc, cần những cánh tay khỏe khoắn để gõ thật đều, thật vang, cần sự khéo léo
của một đôi chân nhanh nhẹn, dẻo dai và khi đã thuần thục là sự kết hợp với các
động tác tay mềm mại…Thực tế, qua các phương tiện thông tin, sách báo, các em học
sinh cũng đã từng được nhìn thấy, được biết đến hoạt động này nhưng không phải
ai cũng có cơ hội được trải nghiệm. Chính vì vậy, từ khi hoạt động nhảy sạp diễn
ra các em vô cùng thích thú và hào hứng. Giờ đây, mỗi khi tiếng trống báo hiệu
giờ ra chơi đến, khi tiếng nhạc vang lên, các em lại phấn khởi, hồ hởi ùa ra
sân trường, cùng nhau sắp đặt, phân công nhau gõ sạp-tự giác, vui vẻ. Những bạn
đã được thầy cô tập, đã biết nhảy thì nhảy trước, những bạn khác quan sát và nhảy
theo. Lúc đầu còn vụng về, lóng ngóng, ngại ngùng, dần dần, những bước nhảy đã
đông hơn, đều hơn và nhịp nhàng, khéo léo. Nhảy đơn, rồi nhảy theo cặp, nữ với
nữ, nam với nam, rồi nam nữ cùng nhảy, học sinh lớp này có thể sang giao lưu
cùng lớp khác… Các thầy cô cũng hòa mình, nhảy cùng các em, những nụ cười giòn
tan, thích thú, xóa dần khoảng cách giữa thầy cô và học sinh, thân thiện, gần
gũi, chan hòa. Và để giúp học sinh không chỉ làm quen mà còn đổi mới hình thức
nhảy sạp, sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức thi nhảy sạp cho học sinh nữ nhân dịp
8-3, thi nhảy theo từng cặp nam-nữ trong Ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe-Tiến bước
lên Đoàn” dịp 26-3 để tạo không khí thi đua giữa các lớp, đòi hỏi các em phải hoạt
động một cách tích cực và sáng tạo. Kết quả đó, sẽ được đưa vào để tính thành
tích của từng lớp. Dần dần, khi các em đã thuần thục, quen thuộc, hoạt động nhảy
sạp sẽ được xen kẽ khoảng 2 lần/tuần cùng các hoạt động khác như tập thể dục,
nhảy dân vũ trong 15 phút giữa giờ. Chúng tôi tin rằng, thông qua hoạt động
này, sẽ tạo được một sân chơi thực sự để các em cảm thấy thoải mái hơn sau những
tiết học căng thẳng, tạo được một không khí thi đua sôi nổi, tích cực trong học
sinh, giữa các lớp với nhau.
Ngày nay, khi
mà giáo dục ngày càng được xã hội quan tâm, chung tay xây dựng, khi mà không ít
em đang cảm thấy việc học trở nên nặng nề, không hứng thú, khi mà sự phát triển
của công nghệ thông tin làm các em gần hơn với những chiếc điện thoại, ti vi,
laptop và xa dần đối với các hoạt động trải nghiệm thực tế, thì thiết nghĩ, những
hoạt động như thế này sẽ góp phần rất lớn trong việc tạo hứng thú đến trường
cho các em, hình thành các kĩ năng sống cần thiết, rèn luyện sự tự tin, năng động
để các em vừa có thể góp nhặt và bồi đắp thêm cho mình những kiến thức và kĩ
năng cần thiết vừa có thể rèn luyện về mặt thể chất để mỗi ngày đến trường thực
sự là một ngày vui.
Nghĩ ra một ý
tưởng mới không phải là điều đơn giản, và làm thế nào để ý tưởng đó áp dụng một
cách thành công, mang lại ý nghĩa thực sự thì càng khó hơn nhiều. Để làm được
điều này, là nhờ chúng tôi có được vào sự chỉ đạo sáng suốt, tâm huyết của Ban
giám hiệu nhà trường, sự quyết tâm, đồng lòng của tập thể cán bộ, giáo viên và
học sinh, sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chi đoàn-Liên đội-Chi đội. Nó tạo nên sức
mạnh tổng hợp để hôm nay, chúng tôi có được một hoạt động tập thể, một hình thức
sinh hoạt giữa giờ mới độc đáo, hấp dẫn, và tự hào là mô hình đầu tiên của huyện
Lệ Thủy. Hi vọng với hoạt động bổ ích và lý thú này, các em học sinh sẽ có cơ hội
được trải nghiệm nhiều điều mới lạ, hấp dẫn, tạo động lực thúc đẩy hoạt động dạy
học đạt kết quả tốt hơn. Các em sẽ có một tinh thần sảng khoái, một thể chất khỏe
khoắn để có thể học tập và rèn luyện tốt, phát triển một cách toàn diện bởi những
hoạt động “chơi mà học, học mà chơi” như thế này.
GV: Ngô Thị
Hoa
Một số hình ảnh khác