THÔNG BÁO
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Số người đang online: 22
Số lượt truy cập: 11355385
QUẢNG CÁO
MỸ LỘC DẢI ĐẤT GIÀU TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA 5/2/2024 1:54:49 PM
Theo sơ thảo lược sử truyền thống Mỹ Lộc thì năm 1558, Nguyễn Hoàng vào cai quản vùng đất Thuận Hóa (từ Đèo ngang trở vào quá Quảng Bình). Một số tộc biểu đi theo Nguyễn Hoàng từ Thanh hóa vào tìm nơi sinh cơ lập nghiệp. Trong số đó có người gốc Sóc Sơn (vùng Bắc Trung hồi ấy) ở lại cư trú làm ăn sinh sống trên mảnh đất Mỹ Lược (Mỹ Lộc ngày nay). Khi mới khai phá mảnh đất này làng Mỹ Lược có 12 họ tộc, Nên khi xây dựng nhà Thờ của 12 họ, có dựng bức hoành phi với nội dung như sau:

image002.jpg

“Sơn khứ, Sơn xuất, Sóc Sơn đái

Quy thân, quy Mỹ thổ canh khai

Lược cư, Lược trạch điền hoang dãi

Đồng tánh đồng tôn thập nhị lai”

Mấy câu thơ ấy được cụ Võ Văn Lăn, người làng Mỹ Lộc Thượng, nguyên Trưởng Phòng truyền thống tỉnh Quảng Bình tạm dịch:

“Núi Bắc ra đi chốn đất này

Cù bầy, cù bạn vỡ đất cày

Nhà ít người thưa, đồng hoang dãi

Cùng dòng, cùng họ tới mười hai”.

Cũng có thể hiểu rằng người dân xứ Sóc Sơn đến vùng này khai phá đặt tên làng Mỹ Lược… Ngày trước Mỹ Lược (Mỹ Lộc) còn có tên gọi là “Kẻ Sóc”.

Thế rồi “Đất lành chim đậu”, dần dần người của các họ tộc khác đến định cư ở đây đông đúc kiến tạo làng quê trù phú. Xây dựng đình, chùa, miếu mạo, tạo nên nét đẹp văn hóa của làng Việt.

“Đất linh sinh nhân kiệt”, mảnh đất Mỹ Lược đã sinh ra những người con cần cù, chịu khó, dung dị, hiếu học, luôn hướng tới: “chân, thiện, mỹ”. Theo sử làng ghi lại từ thời nhà Lê, nhà Mạc và nhà Nguyễn, làng Mỹ Lộc có hơn 35 vị đã từng làm quan. Têu biểu như ông: Nguyễn Đình Bảo xuất thân từ Giám sinh Quốc tử, từng giữ chức tri huyện Bồng Sơn, rồi thăng tri phủ Hoài Nhơn, còn con trai ông Bảo là Nguyễn Đình Cầu và Nguyễn Đình Giao đều đỗ khoa hoành tử, tương đương với tiến sỹ ngày nay. Ông Võ Trọng Bình – sinh năm 1808, đến năm 1834 đỗ cử nhân khoa; Năm 1853 ông được thưởng một kim khánh hạng lớn, có khắc 4 chữ LiêmBình- Cẩn Cán. Năm 1863 được thăng chức Thượng thư Bộ lại kiêm Bộ Công sung cơ mật đại thần, mạnh danh là Hiệp biên đại học sỹ, nhất phẩm triều đình, nổi tiếng liêm khiết, chính trực, văn-võ tài cao. Ông Võ Văn Tuấn, đỗ cử nhân khoa năm Mậu Ngọ đời vua Tự Đức thứ XI (1858) được bổ làm Tri phủ,  nên người ta gọi là ông Phủ Tuấn. Bởi tính cương trực, không ưa nịnh hót, ghét thói tham lam, nên ông từ quan về sống tại quê nhà, ông  có những việc làm và những câu nói châm biếng quan tham, banh vực dân thường, giai thoại truyện cười của ông được người đời còn nhắc mãi.

Ông Võ Khắc Triển đậu tiến sỹ khoa năm Kỷ Mùi (1919), là vị tiến sỹ cuối cùng của thế kỷ XIX, đã từng giữ chức Tri huyện, sau thăng tri Phủ, bổ lang trung; bộ binh, kiêm bộ hình, rồi bổ Án sát, người ta quen gọi là ông Án Triển. Đến năm 1957 ông ra Hà Nội công tác tại viện triết học. Con cháu của ông noi gương sáng của cha đã chí quyết với đèn sách học hành đỗ đạt. Nhiều nữa những những người con của Mỹ Lộc Thượng thời trước nổi tiếng học hành công danh đỗ đạt, làm quan và giữ các chức sắc trọng trách ngoài xã hội. Ngày nay cũng có nhiều người con Mỹ Lộc học hành đỗ đạt làm rạng danh cho quê hương, đất nước.

Ngoài việc học hành đỗ đạt ra, thì dãi đất Mỹ Lộc còn có bề dày về truyền thống Văn hóa-Văn nghệ. Thời trước thì có trạng cười Phủ Tuấn, có những giai thoại để lại tiếng cười sảng khoái cho đến ngày nay. Như chuyện Phủ Tuấn thời còn nhỏ đi học, có lần Tuấn đi học muộn, thầy bắt Tuấn nằm úp xuống để thầy phạt đánh mấy roi. Biết trò Tuấn có trí thông minh, nên thầy bảo với Tuấn rằng: Thầy ra vế đố, nếu như Tuấn đối được thì sẽ tha phạt cho Tuấn. Thầy ra vế đố như sau:

“Bẻ tre quất đít chừa chưa trẻ”!

Nghe xong vế đố của thầy, Tuấn đối lại ngay, Tuấn đối rằng:

“Cắn cỏ lại thầy tởn đến tra”!

Nghe qua vế đối của Tuấn, mới đầu Thầy đắc chí và tha phạt cho Tuấn, nhưng khi ngẫm lại thì thấy đau: Vì qua vế đố của Thầy, rồi qua vế đáp của Tuấn thì thấy rằng: từ “Thầy” nằm dưới từ “đít” và nhiều nữa những giai thoại về chuyện cười của ông Phủ Tuấn được dân gian truyền khẩu.

Ở trung tâm dãi đất Mỹ Lộc từ xa xưa có chợ “Cây Đa” mà người ta quen gọi là “Chợ Đa”. Chợ Đa nằm ở phía Nam của “Phường Đò” bên cạnh một con hói bắt nguồn từ Phú Thủy về đi qua chợ, thông với sông Kiến Giang, nên người ta gọi là “Hói Chợ”. Đối diện với Phường Đò, bên kia hữu ngạn Kiến Giang có chợ “hôm Tuy Lộc” vì chợ đóng trên đất làng Tuy Lộc và chợ họp vào buổi chiều, bởi vậy mà người ta gọi là “Chợ hôm Tuy”. Nên chợ Đa là nơi giao thương với mọi ngã. Cũng từ vị trí thuận lợi đó mà dân mọi nơi hội tụ về đây sinh cơ lập nghiệp, hành nghề, buôn bán. Phường Đò ngày đó so với các nơi là khá sầm oách, người ta ví như là “Phố thị đồng chiêm”! Ngoài hàng hóa nông sản bày bán ở chợ, thì còn có các cơ sở hành nghề, như thợ nhuộm, thợ rèn, thợ mộc, thợ mã và chế biến bún bánh, làm kẹo mè xững (Huế)…Cũng bởi người tứ xứ đến cư trú làm ăn ở đây đã mang theo những nét sinh hoạt văn hóa đến cùng đất này. Đặc biệt, trong đó có môn văn hóa dân gian, đó là múa “Tứ linh” (Long, Lân, Quy, Phụng) nguồn gốc do những người ở Huế đưa ra, dần dần ăn nhập vào cộng động. Cùng với môn múa tứ linh mang hình thức diễn xướng từ cung đình Huế ra đây, thì còn có môn múa hát cung đình như ca Huế, hát bội, đưa linh chèo cạn. Ngoài những nét Văn hóa-Văn nghệ trên đây, mảnh đất Phường Đò (Mỹ Lộc) còn là cái nôi của những làn điệu hò khoan 5 mái của xứ Lệ.

Hàng năm đến lễ, tết, hoặc khi hội làng là người ta tổ chức múa tứ linh, biểu diễn văn nghệ bằng những làn điệu ca Huế-Dân ca Bình-Trị-Thiên, đặc biệt trong đó có hò khoan Lệ Thủy.

Sau cách mạng tháng 8 thành công, hàng năm cùng với lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang là người làng Mỹ Lộc kết đò trang trí đẹp, làm sân khấu lưu động trên sông để múa tứ linh và giã gạo hò khoan, biểu diễn văn nghệ. Năm 1956 đội múa tứ linh của làng Mỹ Lộc được tỉnh Quảng Bình chọn để đi dự liên hoan văn nghệ tại thủ đô Hà Nội. Kết quả đội múa tứ linh của làng Mỹ Lộc đoạt giải nhì toàn miền Bắc và đã vinh dự được biểu diễn để Bác Hồ xem. Ngoài đội múa tứ linh ra, ngày trước làng Mỹ Lộc còn có đội văn nghệ truyền thống, do cụ Dẹp làm đội trưởng. Bằng sự chung tay, góp sức của cộng đồng, đội văn nghệ làng Mỹ Lộc về nhạc cụ, nhạc công, phong màn, ánh sáng khá đầy đủ. Đội văn nghệ của làng Mỹ Lộc không chỉ biểu diễn trên địa bàn của làng, của xã, mà thỉnh thoảng còn đi lưu diễn khắp đó đây trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, với phương châm là “Cây nhà lá vườn”, đã thu hút cộng đồng ngưỡng mộ và có tinh thần xây dựng phong trào, động viên cổ vũ già trẻ, gái trai hăng say lao động sản xuất, lạc quan yêu đời. Nổi lên từ phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, đã có những nhân tài đam mê hoạt động. Về múa tứ linh có: ông Bén múa Long; ông Ba múa Lân; ông Long múa Hổ; ông Tẩu múa Phụng; ông Huỳnh múa Quy.

Về ca Huế - Dân ca Bình-Trị-Thiên, hát bội, hát đưa linh chèo cạn, nổi tiếng như: bà Duyến; bà Xinh; bà Cai Tổng; ông Thừa; ông Khảo…Đặc biệt trong đó có ông Bơi với tài nghệ hò khoan 5 mái, hò khoan vấn đáp, hát vè nỗi tiếng cả vùng đất Quảng Bình, ông có tài ứng khẩu đối đáp khôn khéo nhanh nhạy khó ai sách qua. Về nhạc công có ông Chặng đàn Nguyệt; ông Thanh đàn Bầu; ông Bờ kèn Bầu; ông Loan đánh trống…Sau này đã truyền dạy lại cho lớp con cháu, như anh Quy (Con ông chặng); anh Chí đàn Nguyệt thuộc đội văn nghệ truyền thống của làng; anh Trị thổi sáo rồi sau đó được tuyển vào nhạc công đoàn ca kịch của Quảng Bình năm 1973.

Nối tiếp truyền thống cha ông sau này có Nghệ sỹ ưu tú Lài Tâm; ca sỹ Hồng Duyên ở tổ Ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên của Đài tiếng nói Việt nam. Chị Nam Kỷ là một diễn viên xuất sắc của đoàn Văn công Quảng Bình ngày trước; anh Trùng Dương ở đoàn Văn công Trị -Thiên (chị Nam Kỷ và anh Trùng Dương là con của ông Bơi). Ở phường Đò (Mỹ Lộc) còn có anh Nhạc sỹ Lê Hùng ngày nay cũng đã cho ra đời nhiều ca khúc được nhiều người mến mộ ưa thích.

Do sự phát triển về quy mô dân số, nên làng Mỹ Lộc đã tách ra hai thôn, đó là thôn Mỹ Lộc Thượng và thôn Mỹ Lộc Hạ. Mang nguồn gốc của dải đất làng Mỹ Lộc ngày nào, nên hai thôn Mỹ Lộc Thượng và Mỹ Lộc Hạ vẫn Phát huy truyền thống văn hóa của quê hương mình. Phong trào văn hóa, văn nghệ ở hai thôn vẫn được khơi dậy. Đội văn nghệ truyền thống của làng Mỹ Lộc Thượng vẫn hoạt động tích cực, Câu lạc bộ dân ca của làng Mỹ Lộc Hạ vẫn duy trì phát huy. Phong trào văn hóa quần chúng, phong trào đàn hát dân ca, hò khoan Lệ Thủy và đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang của hai thôn luôn diễn ra sôi nổi. Nét đẹp văn hóa truyền thống và nét đẹp văn hóa hiện đại đã tạo nên sắc màu của một miền quê mang nhiều dấu ấn lịch sử ấy.

 

                                                                             Nhật Nam

 

  

image004.jpg

 

image005.jpg

 

TÌM KIẾM


Hỗ trợ trực tuyến
Hồ Thị Minh Ngọc
Hồ Thị Minh Ngọc
Hiệu trưởng
Nguyễn Minh Thanh
Nguyễn Minh Thanh
P.Hiệu trưởng
Lê Quang Năm
Lê Quang Năm
Quản trị web
ĐĂNG NHẬP

Tên đăng nhập
Mật khẩu
HÌNH ẢNH
LIÊN KẾT WEBSITE


TRƯỜNG THCS AN THỦY - HUYỆN LỆ THỦY - TỈNH QUẢNG BÌNH
Điện thoại: 0232.3882535 - Email: thcsanthuy@lethuy.edu.vn
Developed by Phạm Xuân Cường. Tel: 0912.037911 - Mail: cuonggiaoduc@gmail.com