THCS
An Thủy – 62 năm một chặng đường
Được thành lập năm 1962,
khi cả nước đang hàn gắn vết thương chiến tranh và bắt tay vào xây dựng kế
hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965) - trường THCS An Thủy ra đời chính là niềm
tự hào của Đảng bộ, nhân dân, giáo viên và học sinh xã nhà An Thủy - là một địa
chỉ đỏ quen thuộc của biết bao thế hệ.
Trường THCS An Thuỷ nằm ở trung tâm của xã An Thuỷ, huyện Lệ Thủy. Xã gồm 6
thôn, có dân số và diện tích canh tác khá lớn, là trọng điểm vựa lúa của huyện
nhà Lệ Thủy. Đây cũng chính là quê hương của cụ Võ Khắc Triển - vị Tiến sĩ cuối
cùng của chế độ phong kiến Việt Nam - người đã khôn khéo tìm cách giải thoát
Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ) khỏi nhà lao phủ An Nhơn khi cụ làm tri phủ ở phủ
này. Hơn nửa đời người trọn tình với mảnh đất xã nhà anh hùng, dường như mái
trường ấy vẫn giữ nguyên nét “duyên” trong tâm thức mỗi con người, vẫn mãi là
đứa con tinh thần luôn được ôm ấp vỗ về trong lòng sông quê Mẹ Kiến Giang.
Từ khi sinh ra, lớn lên và đến nay đã qua tuổi 62, trường đã có 5 lần
chuyển địa điểm, 5 lần tách nhập do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ và thực
tế giáo dục. Khi mới thành lập, trường chỉ có 1 lớp 5 với 46 học sinh và 2 giáo
viên. Đến lúc cao điểm, trường THCS An Thủy có 24 lớp với 1042 học sinh. Hiện
tại, trường có 15 lớp với 550 học sinh và 36 CB-GV-NV. Khu vực trường đóng
hiện nay cũng chính là vị trí lúc mới thành lập trường.
Tự hào về một mái trường có sức sống mạnh mẽ, bền lâu, chúng ta còn
tự hào hơn vì từ mái trường này, lớp lớp thế hệ học sinh đã trở thành những
cán bộ trung, cao cấp; những kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư, và nhiều nhân tài của đất
nước. Có không ít thế hệ học sinh đã đi vào trang sử vàng truyền thống của
nhà trường mà đến nay tên tuổi của họ còn mãi lưu danh. Nhiều học
sinh đã trở thành sĩ quan cao cấp trong quân đội như đại tá Đặng Hữu
Cạy, Nguyễn Nam Tiến, Nguyễn Ngọc Chiến và những sĩ quan cao cấp khác. Hay đó
là những tỉnh ủy viên, thường vụ tỉnh ủy Quảng Bình như Nguyễn Thanh Xuân, Bùi
Thị Tuyến... Nhiều cựu học sinh của trường đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ
như Đỗ Quý Hai, Nguyễn Thế Tràm, Nguyễn Thế Hoàn, Võ Sĩ Vinh, Nguyễn Minh
Phương....Có những những tiến sĩ đã từng công tác giảng dạy ở các trường đại
học, viện hàn lâm nước ngoài như Mai Đức Thành (ở Pháp), Võ Quang Duẫn (ở
Anh)... Là học sinh cũ của trường, vào quân đội đã từng chốt giữ thành cổ Quảng
Trị, nguyên là thầy giáo, Phó hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Tiến
Dũng đã được nhà nước phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú vào dịp
20/11/2008. Nối tiếp truyền thống thế hệ đi trước, cô học trò nghèo hiếu
học - học sinh Nguyễn Thị Hồng Xuyến đã mang về danh hiệu học sinh giỏi
cấp Quốc gia đầu tiên cho THCS An Thủy - giải nhất cấp Quốc gia môn Ngữ văn.
Đặc biệt tự hào và muôn lần kính trọng là lớp lớp thế hệ thầy giáo và học sinh từ
mái trường này ra đi chiến đấu, họ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, máu xương
của bao thế hệ giáo viên và học sinh đã hòa quyện vào hồn thiêng sông núi để
cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do.
58 tuổi đời - một chặng đường đầy những khó khăn thách thức nhưng cũng có
nhiều thuận lợi đã làm nên một THCS An Thủy với những kì tích vẻ vang. Đến thời
khắc này, trường THCS An Thủy vẫn luôn là một địa chỉ đáng tin cậy của lãnh đạo
Đảng, Chính quyền các cấp đặc biệt là lãnh đạo ngành Giáo dục - Đào tạo. Bởi vì
ở đây có một Chi bộ vừa đông về số lượng (gần 30 đảng viên), mạnh về chất
lượng, liên tục nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Nơi đây cũng
có một tập thể sư phạm đoàn kết, nhất trí, yêu nghề, mến trẻ, 100% đã chuẩn
hóa, có hơn 17 giáo viên dạy giỏi cấp huyện và tỉnh, có chất lượng đại trà ổn
định và mũi học sinh giỏi được xếp vào một trong những trường mạnh của huyện.
Hàng năm đều có nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia. Trường
có một tổ chức Công đoàn, Chi đoàn, Liên đội luôn đạt vững mạnh xuất sắc.
Trường đạt cơ quan văn hóa liên tục hơn 10 năm và luôn đạt danh hiệu tập thể
lao động xuất sắc.
Nhìn lại giai đoạn trong 5 năm (2003-2008) - một chặng đường lịch sử trong
hành trình phát triển của trường THCS An Thủy để thấy được những đổi thay đã
thực sự bắt đầu từ đây. Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo
Đảng, Chính quyền các cấp và nhờ làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, trường
đã có những bước nhảy vọt về cơ sở vật chất làm tiền đề để xây dựng và đạt chuẩn
quốc gia. Bằng việc tham mưu kịp thời và cụ thể với Đảng uỷ và Chính quyền địa
phương, phối hợp với các tổ chức ngoài nhà trường, sự ủng hộ của các doanh
nghiệp vừa và nhỏ trong địa phương, sự hỗ trợ của cấp trên và đóng góp của phụ
huynh học sinh, Việt kiều ở nước ngoài...Từ năm học 2003-2004 đến năm học
2007-2008, trường đã huy động được nguồn vốn là 2.449.600 triệu đồng, trong đó
ngân sách địa phương và phụ huynh đóng góp 1.287.331 triệu đồng, Việt kiều và con
em địa phương tài trợ 237.5 triệu đồng để xây dựng nhà trường. Nhờ vậy ở thời
điểm này, trường có một cơ sở khang trang, có đầy đủ phòng học và các phòng
chức năng đạt chuẩn, các phòng làm việc của các bộ phận đầy đủ, tiện nghi,
trang trí đẹp, khoa học thuận lợi cho việc tác nghiệp. Mọi hoạt động của các tổ
chức trong nhà trường tiến hành thuận lợi, thiết thực phục vụ tối đa cho dạy và
học. Các cuộc vận động “ Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích
trong giáo dục”, “ Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “ Đẩy mạnh ứng
dụng công nghệ thông tin”, “ Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học
và sáng tạo” vừa là động lực thúc đẩy, vừa định hướng cho giáo viên phấn đấu
phong trào tự học, tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp dạy và học đã trở thành nề
nếp và thường xuyên của nhà trường. Phong trào quyên góp “ Vì bạn nghèo” “ Quỹ
đền ơn đáp nghĩa” “ Quỹ khuyến học” cùng với các cuộc thi tìm hiểu nhân các chủ
đề lớn đã được nhà trường chú trọng tổ chức. Các hoạt động của thầy và trò đã
góp phần nâng cao chất lượng toàn diện của một nhà trường với truyền thống 58
năm hoạt động và trưởng thành. Vì thế, trường luôn được phụ huynh nhân dân đồng
tình và ngưỡng mộ. Trong 4 năm của giai đoạn này, liên tục trường đạt tiên
tiến xuất sắc cấp tỉnh. Đặc biệt, đơn vị vinh dự được đón nhận cơ văn hoá cấp
Huyện năm 2007. Cùng thời điểm năm 2008 trường được được Thủ tướng Chính phủ
tặng Bằng khen, được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình công nhận trường đạt chuẩn
Quốc gia giai đoạn 2001-2010. Chính thời điểm đó, trường được UBND tỉnh công
nhận trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001-2010 và được Thủ tướng Chính phủ tặng
Bằng khen.
Trong những năm gần đây, xác định tầm quan trọng của công tác xã hội hóa
giáo dục (XHHGD), nhà trường luôn quan tâm, từ đó tìm ra giải pháp
hữu hiệu huy động tốt các nguồn lực và công tác xây dựng nhà trường ngày càng
lớn mạnh. Từ thành quả đẩy manh công tác xã hội hóa, chất lượng giáo dục
của nhà trường có sự chuyển biến tích cực; quy mô trường lớp được xây dựng và
củng cố ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Đội ngũ giáo viên được tăng cường đủ
về số lượng, trẻ hoá về độ tuổi, cơ bản đáp ứng yêu cầu về chuyên môn nghiệp
vụ. Hằng năm có trên 95% học sinh nhà trường được xếp loại hạnh kiểm khá,
tốt. Chất lượng đại trà, chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu của đơn
vị luôn dẫn tốp đầu toàn huyện. 100% học sinh lớp 9 được công nhận tốt nghiệp;
chất lượng học sinh thi vào lớp 10 các trường THPT công lập đạt trên 90 %; có
nhiều học sinh thi đỗ vào các trường PTTH Võ Nguyên Giáp, trường Quốc Học
Huế...; nhiều học sinh và giáo viên tham gia các hội thi cấp Huyện, Tỉnh, Quốc
gia đều giành được giải cao. Trong 5 năm (2013-2017) đạt 11 giải quốc gia (7
giải văn hóa, 4 huy chương bơi lội); 117 giải cấp tỉnh( 55 giải văn hóa và 62
huy chương các môn TDTT); 213 giải cấp huyện (129 giải văn hóa và 84 giải các
môn TDTT)... Cho đến tại thời điểm này, trường được công nhận đạt chuẩn Quốc
gia sau 5 năm (2008-2014) và tiếp tục đầu tư
nguồn lực, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện công tác duy trì vững chắc
trường chuẩn Quốc gia gắn với chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông
thôn mới.
Đặc biệt trong giai đoạn 2018-2023, trường đã được khoác lên mình một diện
mạo mới, CSVC nhà trường có nhiều đổi thay càng làm tăng thêm sự khang trang bề
thế. Đến tại thời điểm này, trường đã hoàn thành công trình đầu tư xây dựng dãy
nhà 2 tầng 8 phòng học trị giá gần 4 tỷ đồng và đưa vào sử dụng; nhà hiệu
bộ trị giá 1,8 tỷ đồng; xây mới nhà vệ sinh giáo viên trị giá 200 triệu đồng, nhà vệ sinh học sinh với thiết kế hiện đại và
một số hạng mục khác nhằm duy trì vững chắc trường chuẩn quốc gia. Cùng với
việc tăng trưởng CSVC, nhà trường cũng đã chăm lo đầu tư nâng cao chất lượng
đại trà ở mức tốt; chất lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu cũng được tăng
trưởng vững chắc. Phải kể đến như: giải nhì văn nghệ qua Hội thi “Hát hò khoan
Lệ Thủy”; đạt giải KK Hội thi NC KHKT; đạt giải nhì Hội thi tài năng tiếng Anh;
đạt giải nhất HKPĐ cấp huyện; có 6/12 đội học sinh giỏi văn hóa đạt giải đồng
đội. Tham gia Hội thi cấp tỉnh có 6 giải (2 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba và
1 giải KK) các môn văn hóa; đạt 12 huy chương (4 huy chương vàng, 4 huy chương
bạc, 4 huy chương đồng) về các môn TDTT qua HKPĐ cấp tỉnh; có 2 giáo viên thi
đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện.
Phải nói rằng trong thời gian này, nhà trường đã tiếp tục có những giải
pháp tích cực đầu tư xây dựng đội ngũ vững mạnh, đảm bảo đủ về số lượng, đồng
bộ về cơ cấu các bộ môn, luôn đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ về đổi mới giáo dục. Cụ
thể về Giáo viên: Trường có 29 giáo viên- TPT/15 lớp. Tỷ lệ 1,9;
Trình độ đào tạo: Thạc sỹ: 02/29 đ/c đạt tỉ lệ 6,9 %; Đại học: 27/29 đ/c đạt
93,1 %; có 9 giáo viên đã học và đang tham gia bồi dưỡng Tiếng Anh trình độ A2,
B1. Có 03 giáo viên dạy Anh văn học trình độ năng lực B2; có 19/29 (65,5 %)
giáo viên dạy giỏi các bộ môn.
Bên cạnh đó, trong năm học này nhà trường cũng đã đầu tư duy trì vững chắc mức
xuất sắc các phong trào như xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực;
trường học an toàn về ANTT. Hoạt động của thư viện, Y tế, thiết bị... cũng ở
mức tốt; kết quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể đều giữ vững danh hiệu vững
mạnh xuất sắc và tiêu biểu.
Dù ở phương diện nào, THCS An Thủy cũng luôn phát huy những kết quả đạt
được và tiếp tục duy trì vững chắc danh hiệu trường THCS đạt chuẩn quốc
gia. Ở tuổi 62, Trường THCS An Thuỷ vẫn dồi dào sức sống và vững bước đi
lên. Kết quả hôm nay chúng ta có được là sự kết tinh của 62 năm phấn đấu
trưởng thành, là mồ hôi công sức trí tuệ của Đảng bộ, nhân dân và lớp lớp thế
hệ thầy trò đã sống và làm việc dưới mái trường này.
Có thể khẳng định rằng, sự tăng trưởng lớn mạnh về cơ sở vật chất, điều
kiện dạy học; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao là điều mong muốn
không chỉ riêng của mỗi người làm công tác dục mà còn là của toàn xã hội. Tất
cả các giải pháp do nội lực của tập thể hội đồng sư phạm trường THCS An Thủy
cùng với các giải pháp nhằm phát huy các nguồn lực bên ngoài xã hội có khả thi
và hiện thực hay không đều phải được xuất phát từ sự nhận thức, lòng quyết tâm
của tất cả mọi người để biến thành những hành động thiết thực, hiệu quả.
Danh ngôn có câu: "Đoàn kết là sức mạnh...
khi có sự chung sức và hợp tác, ta có thể đạt được những điều tuyệt vời".
Thật sự tuyệt vời vì những gì THCS An Thuỷ đã làm được sau 62 năm xây
dựng và trưởng thành. Dẫu biết rằng thành công là một cuộc hành trình
chứ không phải là điểm đến, nhưng hôm nay THCS An Thủy có thể tự hào và khiêm
tốn để khẳng định rằng: Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của BGH nhà trường, sự đoàn
kết nhất trí, cố gắng nổ lực không mệt mỏi của thầy và trò thì "điểm
tựa" của sự thành công trong nhà trường nói chung, trường THCS An
Thuỷ nói riêng chính là sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, của
phòng GD-ĐT Lệ Thủy, sự hợp tác của các lực lượng trong phong trào XHHGD. Hi
vọng rằng, bên cạnh phong trào có ý nghĩa thiết thực ấy, bằng tấm lòng thành
với đàn em thân yêu, với chữ “Tâm” trong nghề, trường THCS An
Thủy sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm học tiếp theo; xây
dựng mái trường THCS An Thủy trở thành một địa chỉ tin cậy, một vườn ươm tài
năng cho quê hương, đất nước, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng bộ và nhân dân
huyện nhà Lệ Thủy.